Con riêng có được hưởng thừa kế của cha dượng?
Chúng ta đã quen thuộc với các trường hợp thừa kế của con chung trong thời kỳ hôn nhân của hai vợ chồng. Tuy nhiên, trường hợp một bên người vợ có con riêng thì Con riêng có được hưởng thừa kế của cha dượng không? Mời các bạn cùng giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây nhé.
Con riêng có được hưởng thừa kế của cha dượng?
1. Con riêng là gì?
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể giải thích con riêng là gì, tuy nhiên Luật hôn nhân và gia đình có quy định về quyền và nghĩa vụ của cha dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng.
Ngoài ra, tại Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:
” 1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Con riêng có thể là con do người vợ hoặc người chồng có trước khi kết hôn (có trong quan hệ hôn nhân trước hoặc vợ, chồng chưa kết hôn nhưng đã có con ngoài hôn nhân). Cũng có thể là con riêng của vợ nếu do người vợ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng Tòa án đã xác định người chồng không phải là cha của người con đó (con do người vợ có thai với người khác trong thời kỳ hôn nhân). Có thể là con riêng của người chồng trong trường hợp Tòa án xác định người chồng là cha của người con do người phụ nữ khác sinh ra. Như vậy, con riêng có thể là con trong thời kỳ hôn nhân, cũng có thể là con không phải trong thời kỳ hôn nhân.
2. Thừa kế bao gồm mấy loại?
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thừa kế bao gồm 2 loại: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật
2.1. Thừa kế theo di chúc
Căn cứ Điều 624 Bộ luật dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Di chúc phải được lập thành văn bản, trường hợp không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
- Di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
- Di chúc miệng: Được lập di chúc miệng trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.
Tuy nhiên, dù được lập theo hình thức nào di chúc cũng phải đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 mới được xem là di chúc hợp pháp.
Để hiểu rõ các quy định về Thừa kế theo di chúc, mời các bạn xem thêm bài viết tại đây.
2.2. Thừa kế theo pháp luật
Căn cứ Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.”
Thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản của người đã mất (chết) cho những người còn sống theo hàng thừa kế, trình tự và điều kiện thừa kế được quy định bởi Bộ luật Dân sự hiện hành.
Thừa kế theo pháp luật quy định người thừa kế theo pháp luật là các cá nhân có quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng đối với người để lại di sản.
Các cá nhân được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật không bị phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi. Tất cả bình đẳng trong việc thừa hưởng di sản thừa kế của người đã chết, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ mà người chết chưa thực hiện trong phạm vi di sản nhận.
Như vậy, trong trường hợp thừa kế theo pháp luật thì pháp luật trực tiếp quyết định những người có quyền hưởng thừa kế, phân định di sản cho những người thừa kế cùng hàng và các trình tự khác trong quá trình dịch chuyển di sản.
3. Con riêng có được hưởng thừa kế của cha dượng không?
Con riêng có thừa kế tài sản của bố dượng không?
3.1. Trường hợp cha dượng để lại di chúc
Nếu cha dượng có lập di chúc chỉ định cụ thể con riêng là người được quyền hưởng di sản hoặc con riêng là một trong các đồng thừa kế được quyền hưởng di sản thì người con riêng được quyền thừa kế của cha dượng nếu di chúc thoả mãn các điều kiện về di chúc hợp pháp theo Bộ luật Dân sự quy định
3.2. Trường hợp cha dượng không để lại di chúc
Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Lưu ý: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, nếu xét theo quy định tại điều khoản này, con riêng của chồng hoặc vợ không thuộc đối tượng được hưởng thừa kế từ mẹ kế, bố dượng.
Tuy nhiên pháp luật vẫn tạo điều kiện cho con riêng được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật trong trường hợp quy định tại Điều 654 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó:
“Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 652 và Điều 653 của Bộ luật này.”
Như vậy, nếu có sự chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau như máu mủ ruột thịt, thì con riêng và bố dượng, mẹ kế vẫn có quyền nhận thừa kế của nhau. Trong trường hợp này, quyền thừa kế của con riêng cũng giống với quyền thừa kế của con ruột theo pháp luật.
4. Những trường hợp con riêng không được hưởng thừa kế
Con riêng không được hưởng thừa kế di sản của cha dượng trong những trường hợp sau:
+ Thừa kế theo di chúc nhưng di chúc không hợp pháp
+ Con riêng và bố dượng không có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con
+ Con riêng thuộc vào các trường hợp người không được hưởng di sản theo quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
“Người không được quyền hưởng di sản
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.”
Tóm lại, con riêng của cha dượng vẫn có thể nhận được khoản thừa kế nếu cha dượng lập di chúc chỉ định con riêng là người được hưởng giá trị di sản hoặc cha dượng không để lại di chúc nhưng con riêng được thừa kế theo pháp luật nếu có thể chứng minh được mối quan hệ thân thiết, nuôi dưỡng lẫn nhau giữa cha dượng và con riêng.
>>XEM THÊM: Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp thừa kế giỏi
Trên đây là nội dung về Con riêng có được hưởng thừa kế của cha dượng? mà Công ty Luật Hùng Phí xin gửi đến Quý khách hàng để tham khảo. Nếu Quý khách còn vướng mắc về vấn đề này hay cần luật sư tư vấn đối với trường hợp, vụ việc cụ thể của mình, Quý khách hãy vui lòng liên hệ luôn hôm nay với Luật sư của Công ty Luật Hùng Phí để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.
Thông tin liên hệ:
Công ty Luật Hùng Phí
Điện thoại: 0962 75 28 38
Email: info@hungphi.vn
Website: hungphi.vn
Trân trọng cảm ơn Quý khách hàng!