Nghị định 70/2000/NĐ-CP của Chính phủ về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 70/2000/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2000 |
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 70/2000/NĐ-CP NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2000 VỀ VIỆC GIỮ BÍ MẬT, LƯU TRỮ VÀ CUNG CẤP THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN TIỀN GỬI VÀ TÀI SẢN GỬI CỦA KHÁCH HÀNG
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997;
Căn cứ Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước ngày 28 tháng 10 năm 1991;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Nghị định này quy định về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp các thông tin có liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng gửi tại các tổ chức tín dụng, tại các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng có hoạt động ngân hàng (gọi chung trong Nghị định này là tổ chức) theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
2. Các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng là thông tin “mật” thuộc danh mục bí mật Nhà nước trong ngành ngân hàng thì được lưu trữ và bảo vệ theo chế độ mật của Nhà nước.
Điều 2. Tiền gửi, tài sản và các thông tin có liên quan
1. Tiền gửi của khách hàng bao gồm tiền Đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ của các tổ chức và cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn (kể cả tiền gửi tiết kiệm) và các hình thức tiền gửi khác.
2. Tài sản gửi của khách hàng bao gồm vật có thực, các giấy tờ có giá và các quyền tài sản theo quy định của pháp luật.
3. Các thông tin liên quan đến tiền gửi của khách hàng bao gồm số hiệu tài khoản, mẫu chữ ký của chủ tài khoản hoặc người được chủ tài khoản uỷ quyền, các thông tin về doanh số hoạt động và số dư tài khoản.
4. Các thông tin liên quan đến giao dịch gửi, rút tiền, chuyển tiền và tài sản của khách hàng; nội dung các văn bản, giấy tờ, tài liệu; tên và mẫu chữ ký của người gửi tiền và tài sản.
Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức nhận tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng.
1. Tổ chức, cán bộ và nhân viên không được cung cấp, tiết lộ thông tin liên quan đến tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng, trừ trường hợp quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Nghị định này.
2. Phải báo cáo ngay cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong trường hợp phát hiện các khoản tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng có dấu hiệu bất hợp pháp.
3. Được khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi ép buộc cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng trái với quy định của Nghị định này.
4. Cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng phải bảo đảm tính trung thực, chính xác, đúng đối tượng.
Điều 4. Quyền của khách hàng gửi tiền và tài sản
1. Khiếu nại, khởi kiện tổ chức nhận tiền gửi và tài sản nếu tổ chức đó cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi sai quy định hoặc không đúng đối tượng, không chính xác, không trung thực.
2. Được tổ chức nhận tiền gửi và tài sản bồi thường thiệt hại do việc cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản sai, không đúng đối tượng, không chính xác, không trung thực gây ra.
Tổ chức nhận tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng chỉ được cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng trong các trường hợp sau :
1. Theo yêu cầu của khách hàng hoặc người được khách hàng uỷ quyền theo quy định của pháp luật.
2. Phục vụ hoạt động nội bộ của tổ chức nhận tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng.
3. Theo yêu cầu bằng văn bản của Tổng Giám đốc tổ chức bảo hiểm tiền gửi khi tổ chức này thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
4. Theo yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan Nhà nước trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, văn bản yêu cầu tổ chức cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng phải do những người có thẩm quyền sau đây ký:
a) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Thẩm phán Toà án nhân dân thực hiện theo quy định tại các văn bản do Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành;
b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự, Chánh án, Phó Chánh án Toà án quân sự, Thẩm phán Toà án quân sự cấp quân khu trở lên;
c) Cục trưởng, Phó Cục trưởng các Cục nghiệp vụ Bộ Công an; Giám đốc, Phó Giám đốc công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp Bộ, cơ quan điều tra của công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân Việt Nam cấp quân khu trở lên;
d) Chấp hành viên hoặc Thủ trưởng các cơ quan thi hành án các cấp được giao thi hành các bản án theo quyết định của Toà án các cấp;
đ) Tổng Thanh tra Nhà nước, Phó Tổng Thanh tra Nhà nước, Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra thuộc các tổ chức thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra được thành lập theo quy định của pháp luật về thanh tra, xét giải quyết khiếu nại tố cáo và chống tham nhũng từ cấp tỉnh trở lên.
Điều 6. Cung cấp thông tin giữa các tổ chức tín dụng
1. Các tổ chức tín dụng được phép cung cấp cho nhau về các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng.
2. Khi các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước và các quy định sau :
a) Yêu cầu cung cấp thông tin của tổ chức tín dụng phải được lập thành văn bản và do Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng hoặc người được Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng uỷ quyền ký.
b) Tổ chức tín dụng được cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng chỉ được sử dụng thông tin cho hoạt động nội bộ của tổ chức tín dụng đó.
Điều 7. Quy trình cung cấp thông tin
1. Việc xem xét, sao chụp các dữ liệu liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng do Tổng Giám đốc (Giám đốc) hoặc người được Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức có tài liệu đó uỷ quyền quyết định.
2. Việc cung cấp thông tin phải được lập thành “Biên bản cung cấp thông tin” và tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 8. Lưu trữ và bảo quản thông tin
Các văn bản yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng và các thông tin được cung cấp phải được lưu trữ và bảo quản theo chế độ lưu trữ, bảo quản hiện hành của Nhà nước.
Các tổ chức, cá nhân phải thực hiện đúng các quy định về giữ bí mật, lưu trữ, cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng được quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Tổng Giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng, các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng có hoạt động ngân hàng và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Phan Văn Khải (Đã ký) |