KHIẾU NẠI HÀNG HẢI LÀ GÌ? CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC BẮT GIỮ TÀU BIỂN
Khiếu nại hàng hải là một quy định quan trọng trong pháp luật liên quan đến các hoạt động hàng hải ở nước ta. Khi hoạt động tại vùng biển Việt Nam, việc xác định được khái niệm khiếu nại hàng hải và yêu cầu bắt giữ tàu biển được thực hiện khi nào là rất cần thiết để bảo vệ được lợi ích của chính mình. Quy định ấy cụ thể như thế nào? Công ty Luật Hùng Phí sẽ đề cập trong bài viết dưới đây.
1. Khiếu nại hàng hải là gì?
Theo quy định trong Bộ luật Hàng hải năm 2015, các nhà làm luật Việt Nam đã đưa ra khái niệm về khiếu nại hàng hải. Tuy nhiên, khái niệm này không được quy định trong một điều luật riêng hay trong điều khoản giải thích thuật ngữ. Thay vào đó, khái niệm khiếu nại hàng hải chỉ được đưa vào với mục đích làm rõ cho quyền cầm giữ hàng hải. Cụ thể, trong Điều 40 Bộ luật Hàng hải 2015, “khiếu nại hàng hải được giải thích là việc một bên yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ phát sinh liên quan đến hoạt động hàng hải”.
Các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải có thứ tự ưu tiên cao hơn các khiếu nại hàng hải được bảo đảm bằng thế chấp tàu biển và các giao dịch bảo đảm khác. Người có khiếu nại hàng hải có quyền cầm giữ hàng hải đối với tàu biển để bảo đảm cho các khiếu nại hàng hải, mặc dù tàu biển đó đã được thế chấp hoặc chủ tàu đã thực hiện giao dịch bảo đảm khác để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác trên cơ sở hợp đồng.
Khiếu nại hàng hải là gì? Các trường hợp được bắt giữ tàu biển
2. Các trường hợp được bắt giữ tàu biển
Tại Điều 129 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 có quy định về định nghĩa việc bắt giữ tàu biển như sau: “Bắt giữ tàu biển là việc không cho phép tàu biển di chuyển hoặc hạn chế di chuyển tàu biển bằng quyết định của Tòa án để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành án dân sự và thực hiện tương trợ tư pháp”.
Như vậy, những trường hợp được bắt giữ tàu biển bao gồm:
– Khi có quyết định của Tòa án để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải;
– Để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
– Để thi hành án dân sự
– Thực hiện tương trợ tư pháp.
Các trường hợp được bắt giữ tàu biển
2.1. Bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải
Sau khi có khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền bắt giữ tàu biển, người khiếu nại cần phải xem xét các điều kiện để việc bắt giữ được cho phép. Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hàng hải năm 2015, có hai trường hợp bắt giữ tàu biển.
Trường hợp 1: Khi có yêu cầu bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải thì Tòa án quyết định bắt giữ tàu biển trong các trường hợp sau đây:
a) Chủ tàu là người chịu trách nhiệm đối với khiếu nại hàng hải tại thời điểm phát sinh khiếu nại hàng hải và vẫn là chủ tàu tại thời điểm bắt giữ tàu biển
b) Người thuê tàu trần là người chịu trách nhiệm đối với khiếu nại hàng hải tại thời điểm phát sinh khiếu nại hàng hải và vẫn là người thuê tàu trần hoặc là chủ tàu tại thời điểm bắt giữ tàu biển;
c) Khiếu nại hàng hải này trên cơ sở của việc thế chấp tàu biển đó;
d) Khiếu nại hàng hải này liên quan đến quyền sở hữu hoặc chiếm hữu tàu biển đó;
đ) Khiếu nại hàng hải này được bảo đảm bằng một quyền cầm giữ hàng hải liên quan đến tàu biển đó.
Trường hợp 2: Việc bắt giữ tàu biển được tiến hành đối với một hoặc nhiều tàu biển khác thuộc quyền sở hữu của người phải chịu trách nhiệm đối với khiếu nại hàng hải và tại thời điểm khiếu nại hàng hải đó phát sinh mà người đó là:
a) Chủ sở hữu của tàu biển liên quan đến việc phát sinh khiếu nại hàng hải;
b) Người thuê tàu trần, người thuê tàu định hạn hoặc người thuê tàu chuyến của tàu biển liên quan đến việc phát sinh khiếu nại hàng hải.
Cần lưu ý các quy định về việc bắt giữ tài biển liên quan ở trường hợp 2 không áp dụng đối với khiếu nại hàng hải liên quan đến quyền sở hữu tàu biển.
2.2. Bắt giữ tàu biển để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Tại khoản 2 Điều 131 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 đã quy định các trường hợp để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển như sau:
- Tàu biển sẽ bị yêu cầu bắt giữ để đảm bảo cho việc giải quyết khiếu nại về hàng hải mà người yêu cầu bắt giữ đã khởi kiện vụ án dân sự này tại Toà án;
- Chủ tàu là người có nghĩa vụ liên quan về tài sản trong vụ án đang được giải quyết và hiện tại vẫn là chủ tàu tại thời điểm áp dụng biện pháp khẩn cấp này;
- Cá nhân là người thuê tàu trần, thuê tàu định hạn, thuê tàu chuyến hoặc là người khai thác tàu có nghĩa vụ về tài sản trong một vụ án dân sự dẫn đến từ khiếu nại hàng hải theo quy định tại Bộ luật hàng hải Việt Nam và vẫn đang là người thuê tàu trần, thuê tàu định hạn, thuê tàu chuyến, người khai thác hoặc có thể là chủ tàu tại thời điểm áp dụng biện pháp khẩn cấp này;
- Vụ án phát sinh và đang được giải quyết tranh chấp dựa trên cơ sở của việc thế chấp tàu biển đó;
- Trong vụ án mà việc giải quyết tranh chấp có liên quan đến quyền sở hữu hoặc quyền chiếm giữ tàu biển đó.
2.3. Bắt giữ tàu biển để thi hành án dân sự
Thông qua cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người được thi hành án theo pháp luật thi hành án dân sự của Việt Nam có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án.
Theo quy định tại Điều 44 Pháp lệnh 05/2008 về thủ tục bắt giữ tàu biển quy định các điều kiện bắt giữ tàu biển để thi hành án như sau:
– Chủ tàu là người phải thi hành án về tài sản và vẫn là chủ tàu tại thời điểm bắt giữ tàu biển;
– Người thuê tàu trần, người thuê tàu định hạn, người thuê tàu chuyến hoặc người khai thác tàu là người phải thi hành án về tài sản trong vụ án dân sự phát sinh từ khiếu nại hàng hải quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này và vẫn là người thuê tàu trần, người thuê tàu định hạn, người thuê tàu chuyến, người khai thác tàu hoặc là chủ tàu tại thời điểm bắt giữ tàu biển;
– Nghĩa vụ thi hành án về tài sản được bảo đảm bằng việc thế chấp tàu biển đó;
– Nghĩa vụ thi hành án là việc phải trả lại tàu biển đó cho người được thi hành án.
2.4. Bắt giữ tàu biển để thực hiện tương trợ tư pháp
Trường hợp 1: Thực hiện ủy thác tư pháp cho Tòa án nước ngoài bắt giữ tàu biển
Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án hoặc giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài mà có yêu cầu giữ tàu biển thì Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ủy thác tư pháp cho Tòa án có thẩm quyền của nước ngoài bắt giữ tàu biển.
Trường hợp 2: Tòa án nước ngoài thực hiện ủy thác tư pháp về bắt giữ tàu biển cho tòa án Việt Nam
Quy trình này quy định từ điều 59 đến Điều 65 Pháp lệnh 05/2008 về thủ tục bắt giữ tàu biển.
Việc Tòa án nước ngoài ủy thác tư pháp cho Tòa án Việt Nam về việc bắt giữ tàu biển phải được lập thành văn bản và gửi đến Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong thời hạn bốn mươi tám giờ kể từ thời điểm nhận được văn bản ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, Thẩm phán phải xem xét và ra một trong các quyết định thụ lý hay trả lại văn bản ủy thác tư pháp.
Thẩm phán ra quyết định bắt giữ tàu biển theo ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài ngay sau khi người yêu cầu bắt giữ tàu biển đã xuất trình biên lai, chứng từ chứng minh họ đã thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển. Trường hợp quyết định trả lại văn bản ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển, Tòa án phải gửi ngay quyết định đó cùng văn bản ủy thác tư pháp về việc bắt giữ tàu biển và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Bộ Tư pháp Việt Nam để thông báo cho Tòa án nước ngoài biết.
Trên đây là nội dung về KHIẾU NẠI HÀNG HẢI VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC BẮT GIỮ TÀU BIỂN mà Công ty Luật Hùng Phí xin gửi đến Quý khách hàng để tham khảo. Nếu Quý khách còn vướng mắc về vấn đề này hay cần luật sư tư vấn đối với trường hợp, vụ việc cụ thể của mình, Quý khách hãy vui lòng liên hệ luôn hôm nay với Luật sư của Công ty Luật Hùng Phí để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.
Thông tin liên hệ:
Công ty Luật Hùng Phí
Điện thoại: 0962 75 28 38
Email: info@hungphi.vn
Website: hungphi.vn
Trân trọng cảm ơn Quý khách hàng!