Thông tư 191/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ

BỘ TÀI CHÍNH
——-

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———

Số: 191/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ HOẠT ĐỘNG VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 4 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bình đẳng giới;
Căn cứ Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới;
Căn cứ Chỉ thị số 27/2004/CT-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố Trung ương;

Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ như sau:

Mục I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi thực hiện

Thông tư này hướng dẫn nội dung chi, mức chi, lập dự toán, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị.

Điều 2. Nguồn kinh phí hoạt động

1. Kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ bao gồm: nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân và nguồn thu hợp pháp khác.

2. Kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan, đơn vị đó theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và theo quy định tại Thông tư này.

3. Các đơn vị không sử dụng ngân sách nhà nước vận dụng chế độ quy định tại Thông tư này để chi cho hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và do đơn vị tự đảm bảo kinh phí. Đối với doanh nghiệp được hạch toán khoản chi này vào chi phí theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn.

Mục II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nội dung và mức chi

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung và mức chi đặc thù cho hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ như sau:

1. Chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chi hoạt động phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về lĩnh vực bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Mức chi theo quy định hiện hành về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

2. Chi thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới bao gồm:

a) Chi tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mức chi thực hiện theo hình thức hợp đồng giữa cơ quan tuyên truyền và cơ quan thông tin đại chúng.

b) Chi phát hành các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước về đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước.

Trường hợp phát hành Bản tin của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, tác giả các bài viết là chuyên gia, cán bộ có nhiều kinh nghiệm về bình đẳng giới: Mức chi nhuận bút và phụ cấp cho người chịu trách nhiệm xuất bản, bản thảo, bộ phận theo dõi in… áp dụng theo quy định hiện hành về chế độ chi trả nhuận bút.

c) Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Mức chi theo quy định hiện hành về lập dự án, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

d) Chi phổ biến luật pháp chính sách có liên quan tới bình đẳng giới. Mức chi theo quy định hiện hành về quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

e) Chi tổ chức sinh hoạt của các loại hình câu lạc bộ gồm: tiền tài liệu, bồi dưỡng báo cáo viên, thuê hội trường, thiết bị loa đài (nếu có), nước uống… Nội dung và mức chi theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí và chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Chi tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết công tác bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ; hội nghị biểu dương, tôn vinh phụ nữ và các điển hình tiên tiến trong việc thực hiện và đảm bảo bình đẳng giới. Mức chi theo quy định hiện hành về chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Chi tổ chức tập huấn về giới, lồng ghép giới; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ. Mức chi theo quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.

5. Chi cho công tác chỉ đạo, kiểm tra thực hiện Chiến lược, chính sách, chương trình, kế hoạch, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Mức chi theo quy định hiện hành về lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

6. Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ. Mức chi thực hiện theo quy định của Luật thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn Luật.

7. Chi tổ chức các hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về công tác bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ. Mức chi như sau:

– Báo cáo viên: từ 200.000 đồng – 300.000 đồng/01 báo cáo;

– Chủ trì hội nghị: 150.000 đồng/người/buổi;

– Thư ký: 100.000 đồng/người/buổi;

– Các thành viên tham dự: 70.000 đ/người/buổi;

– Tiền nước uống cho đại biểu: Mức chi theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

8. Chi giám sát việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới; chi khảo sát, học tập trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước về bình đẳng giới. Mức chi theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

9. Chi làm đêm, thêm giờ. Mức chi theo quy định hiện hành về chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối cán bộ, công chức, viên chức.

10. Chi cho các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, bao gồm:

a) Chi tổ chức các phong trào hoạt động của phụ nữ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ cán bộ nữ rèn luyện, trưởng thành như: Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; thi cắm hoa, nấu ăn, hội diễn thể thao, văn nghệ nhân dịp ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 và ngày quốc tế phụ nữ 8/3…. Tuỳ theo nội dung, quy mô của từng trường hợp, thủ trưởng đơn vị quy định nội dung và mức chi cho các hoạt động trên cơ sở dự toán được giao và các chế độ chi tiêu hiện hành của nhà nước.

b) Chi hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi. Nội dung và mức chi thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

11. Chi kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

12. Các chi phí khác phục vụ hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ như: mua sách, báo, bản tin, in ấn, văn phòng phẩm…căn cứ vào hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành và được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán trước khi thực hiện làm căn cứ quyết toán kinh phí.

Điều 4. Lập dự toán, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí

Đối với kinh phí để thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về bình đẳng giới: Các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao theo Luật bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn Luật lập dự toán kinh phí chi cho hoạt động bình đẳng giới trong chi thường xuyên của đơn vị theo quy định hiện hành. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn thêm một số điểm lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ thành lập ở các cơ quan, đơn vị như sau:

1. Lập dự toán kinh phí:

Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách (trước ngày 20/7 năm trước), Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ căn cứ kế hoạch hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ năm sau ở cơ quan, đơn vị mình; căn cứ nội dung chi, mức chi quy định tại Thông tư này lập dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ gửi bộ phận tài chính của cơ quan, đơn vị để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của cơ quan, đơn vị gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

2. Phân bổ và giao dự toán:

a) Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, các đơn vị dự toán cấp I có trách nhiệm phân bổ dự toán ngân sách được giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc.

b) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ theo dự toán đã thông báo.

3. Hạch toán, quyết toán kinh phí:

 a) Kinh phí hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ được tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách hàng năm của đơn vị theo nội dung chi quản lý hành chính nhà nước; hạch toán theo Chương, loại, khoản, mục, tiểu mục theo quy định của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

b) Báo cáo quyết toán năm của đơn vị sử dụng ngân sách và đơn vị dự toán cấp I cần thuyết minh riêng nội dung chi cho hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Mục III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5: Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 04/2005/TT-BTC ngày 10/1/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn về kinh phí hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để hướng dẫn thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư TW Đảng;

– Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTCP;
– VP Quốc hội;
– VP Chủ tịch nước;
– VP Chính phủ;
– Toà án nhân dân TC;
– Viện Kiểm sát nhân dân TC;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Văn phòng BCĐTW về phòng chống tham nhũng;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Cơ quan TW của các đoàn thể;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
– Sở TC, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
– Cục kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
– Công báo;
– Website Chính phủ;Website Bộ Tài chính;
– Các đơn vị thuộc Bộ;
– Lưu: VT, Vụ HCSN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Phạm Sỹ Danh

 

Đánh giá

Bài viết liên quan