03 lưu ý quan trọng khi cho người nước ngoài thuê nhà
Người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng phổ biến vì vậy việc cho người nước ngoài thuê nhà cũng tạo ra thu nhập cho nhiều người. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích thì việc cho người nước ngoài thuê nhà cũng tìm ẩn nhiều rủi ro. Dưới đây là 03 lưu ý quan trọng khi cho người nước ngoài thuê nhà.
03 lưu ý quan trọng khi cho người nước ngoài thuê nhà
1. Điều kiện cho người nước ngoài thuê nhà tại Việt Nam
1.1 Điều kiện đối với nhà cho thuê
Để có thể cho người nước ngoài thuê nhà, nhà cho thuê cần đảm bảo các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 118 Luật nhà ở 2014. Cụ thể như sau:
- Có Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
- Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;
- Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó trước khi cho người nước ngoài thuê nhà ở, chủ nhà cần đảm bảo các điều kiện nêu trên để tránh vi phạm pháp luật.
1.2 Điều kiện đối với bên cho thuê và bên thuê
Căn cứ theo Điều 119 Luật nhà ở 2014 quy định điều kiện của các bên tham gia giao dịch về nhà ở, khi cho người nước ngoài thuê nhà ở các bên cần đảm bảo các điều kiện sau:
Đối với bên cho thuê:
- Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở;
- Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân.
Đối với bên thuê:
- Phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở;
- Phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở thuê.
>>XEM THÊM:
Ký hợp đồng thuê nhà cần lưu ý những điều này
2. Thủ tục cho người nước ngoài thuê nhà
Bước 1: Thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh
Theo như quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, hoạt động cho thuê nhà ở là một hoạt động kinh doanh và không thuộc vào những trường hợp không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh. Như vậy, bên cho thuê khi cho thuê nhà ở cần phải đăng ký kinh doanh.
Để thực hiện việc đăng ký kinh doanh, bên cho thuê cần đến UBND nơi có nhà cho thuê để đăng ký, khi đi cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Giấy tờ chứng minh chủ sở hữu nhà cho thuê như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ); hợp đồng mua bán nhà;…
- Giấy CMND/CCCD.
Bước 2: Kê khai mã số thuế và nộp thuế môn bài
Khi tiến hành kê khai mã số thuế và nộp thuế môn bài cần chuẩn bị trước một số giấy tờ như:
- CMND/CCCD;
- Giấy đăng ký kinh doanh cho thuê nhà;
- Tờ khai thuế môn bài và tờ khai mã số thuế căn hộ cho thuê.
Bước 3: Đăng ký tại trụ sở Công an quận/huyện
Một số loại giấy tờ cần chuẩn bị gồm:
- CMND/CCCD;
- Giấy đăng ký kinh doanh hoạt động cho thuê;
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT (đối với trường hợp bên thuê nhà để kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện);
- Tờ khai lý lịch của chủ hộ kinh doanh (đối trường hợp bên thuê nhà dùng để kinh doanh);
- Giấy đăng ký đảm bảo đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy (tùy theo từng dự án sẽ có yêu cầu khác nhau).
Bước 4: Tiến hành đăng ký tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà
Hiện nay, thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài có thể thực hiện online tại nhà. Căn cứ quy định tại Điều 4, 5, 6 Thông tư 53/2016/TT-BCA, khi đăng ký tạm trú cho người nước ngoài online cần chuẩn bị các thông tin sau:
– Thông tin về cơ sở lưu trú:
- Tên, loại hình, địa chỉ, số điện thoại, email của cơ sở lưu trú;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người đăng ký.
– Thông tin của người nước ngoài:
- Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu;
- Thời gian dự kiến tạm trú.
3. Hợp đồng cho người nước ngoài thuê nhà
3.1 Mẫu hợp đồng cho người nước ngoài thuê nhà
Xem chi tiết mẫu hợp đồng cho người nước ngoài thuê nhà TẠI ĐÂY
3.2 Có cần công chứng hợp đồng cho người nước ngoài thuê nhà
Khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định về việc công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở như sau:
“2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.”
Như vậy, trường hợp cho người nước ngoài thuê nhà thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu. Tuy nhiên Luật Hùng Phí khuyến khích các bên nên chứng thực, công chứng hợp đồng thuê nhà để có thể đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình thuê nhà.
4. Câu hỏi thường gặp
4.1 Công chứng, chứng thực hợp đồng cho thuê nhà ở đâu?
Căn cứ khoản 4 Điều 122 Luật nhà ở 2014, việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.
4.2 Được sử dụng ngoại tệ làm đơn vị thanh toán trong hợp đồng cho thuê nhà với người nước ngoài không?
Khoản 13 Điều 1 Pháp lệnh Ngoại hối 2013, Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNH có hiệu lực quy định rằng mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đồng thời, các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam quy định tại Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN cũng không có quy định về việc cho người nước ngoài thuê nhà.
Vì vậy, không được sử dụng ngoại tệ để làm đơn vị thanh toán trong hợp đồng cho thuê nhà với người nước ngoài.
4.3 Chủ nhà hay người thuê nhà có trách nhiệm đăng ký tạm trú?
Hiện pháp luật chưa có quy định đề cập rõ về nội dung này. Tuy nhiên, tại a khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
“Điều 9. Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;”
Theo đó, có thể thấy chủ nhà hay người đều sẽ bị phạt nếu không thực hiện đăng ký tạm trú. Vì vậy, cả chủ nhà trọ và người thuê trọ đều phải có trách nhiệm đăng ký tạm trú khi có sự thay đổi về cư trú.
Trên đây là nội dung 03 lưu ý quan trọng khi cho người nước ngoài thuê nhà mà Công ty Luật Hùng Phí xin gửi đến Quý khách hàng để tham khảo. Nếu Quý khách còn vướng mắc về vấn đề này hay cần luật sư tư vấn đối với trường hợp, vụ việc cụ thể của mình, Quý khách hãy vui lòng liên hệ luôn hôm nay với Luật sư của Công ty Luật Hùng Phí để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.
Thông tin liên hệ:
Công ty Luật Hùng Phí
Điện thoại: 0962 75 28 38
Email: info@hungphi.vn
Website: hungphi.vn
Trân trọng cảm ơn Quý khách hàng!