CÁC DẠNG TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI PHỔ BIẾN HIỆN NAY

Đất đai là một loại tài sản khá đặc biệt, có giá trị lớn vì vậy đất đai rất dễ trở thành đối tượng của nhiều vụ tranh chấp. Các vụ tranh chấp đất đai xảy ra ngày càng phổ biến và đây là một dạng tranh chấp phức tạp nhất hiện nay. Tuỳ vào mỗi dạng tranh chấp đất đai mà sẽ có cách giải quyết khác nhau. Công ty Luật Hùng Phí tổng hợp, liệt kê các dạng tranh chấp đất đai phổ biến hiện nay:

Trước hết, ta hiểu tranh chấp đất đai là gì? Theo Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 giải thích: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Như vậy tranh chấp đất đai được phát sinh ít nhất từ hai chủ thể đối với quyền và nghĩa vụ của cá nhân và/hoặc pháp nhân trong việc sử dụng đất.

Các dạng tranh chấp đất đai phổ biến hiện nay

Các tranh chấp đất đai phổ biến hiện nay có thể chia thành 03 dạng sau:

1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất.

Tranh chấp đất đai về quyền sử dụng đất là tranh chấp được phát sinh trong quá trình sử dụng đất giữa các bên với nhau về việc ai/ bên nào có quyền sử dụng hợp pháp đối với một phần hoặc toàn bộ diện tích, thửa đất đất, các loại tranh chấp về quyền sử dụng đất phổ biến hiện nay là:

  • Tranh chấp về ranh giới giữa các mảnh đất, thửa đất. Đây có thể là tranh chấp về ranh giới đất liền kề, lối đi lại… Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi ranh giới hoặc hai bên không xác định được với nhau về mốc ranh giới của thửa đất của mình. Ngoài ra, trường hợp tranh chấp này còn xảy ra do ranh giới đất giữa những người sử dụng đất liền kề không rõ ràng, đất đã chuyển nhượng nhiều lần và việc cắm mốc ranh giới không đúng.
  • Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất, đòi lại tài sản gắn liền với đất. Thực chất đây là dạng tranh chấp đòi lại đất, đòi lại tài sản gắn liền với đất có nguồn gốc trước đây thuộc quyền sở hữu của họ hoặc người thân của họ mà do nhiều nguyên nhân khác nhau họ không quản lý, sử dụng. Bây giờ những người này đòi lại người đang quản lý, sử dụng đất và tài sản trên đất đó nên dẫn đến tranh chấp. Có thể kể đến các trường hợp như: đất đã cho người khác thuê, mượn sử dụng mà không trả lại, tranh chấp đất của người đi xây dựng vùng kinh tế mới, tranh chấp của những người có chung quyền sử dụng đất…
  • Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong việc ly hôn. Đây là dạng tranh chấp đòi quyền sử dụng đất và nhà ở của một bên là vợ hoặc chồng có trước và/hoặc có được trong thời kỳ hôn nhân.
  • Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trong việc chia di sản thừa kế. Đây là dạng tranh chấp giữa những người thuộc hàng thừa kế của người mất để lại di sản là đất và nhà ở mà trong trường hợp không có di chúc, hoặc có di chúc nhưng bản di chúc không hợp pháp mà các hàng thừa kế không tự thỏa thuận phân chia được nên dẫn đến tranh chấp phải khởi kiện.

2. Tranh chấp phát sinh trong quá trình sử dụng đất

Đối với dạng tranh chấp này thì người đang sử dụng đất đã sử dụng đất ổn định hợp pháp, không có tranh chấp. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ sử dụng đất của mình, thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến đất dẫn đến tranh chấp. Như vậy, bản chất của tranh chấp trong các trường hợp này là tranh chấp về hợp đồng giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Trong dạng tranh chấp này, các loại tranh chấp đất thường gặp bao gồm:

  • Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất đai.
  • Tranh chấp về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, công nhận hiệu lực của hợp đồng, tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến đất
  • Các tranh chấp về khiếu nại liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tranh chấp loại này được hiểu chủ yếu là việc khiếu nại về giá đất đền bù tại thời điểm thu hồi đất, khiếu nại về diện tích đất bị thu hồi, diện tích đất được đền bù, giá cả đất để tái định cư.

3. Tranh chấp về mục đích sử dụng đất

Đây là dạng tranh chấp chủ yếu do người sử dụng đất sử dụng sai mục đích sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất…, ví dụ như tranh chấp về sử dụng đất nông nghiệp với đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp với đất thổ cư trong quá trình phân bố và quy hoạch sử dụng. Tranh chấp này thường dễ giải quyết hơn so với các trường hợp tranh chấp đất đai khác bởi trong quá trình phân bổ đất đai cho các chủ thể sử dụng thì Nhà nước đã xác định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất và được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Do đó, việc nhận định rõ các dạng tranh chấp đất đai có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định đúng đối tượng, loại tranh chấp đất để chủ thể có tranh chấp chuẩn bị hồ sơ khiếu nại hay hố sơ khởi kiện giải quyết tranh chấp đất đai được chính xác và nhanh chóng.

Trên đây là các trường hợp, các dạng tranh chấp đất đai phổ biển hiện nay. Do vấn đề tranh chấp đất đai và việc giải quyết tranh chấp đất đai khá phức tạp, vì vậy đối với các vụ việc và trường hợp cụ thể về tranh chấp đất đai của mình, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với Luật sư đất đai chuyên nghiệp, giầu kinh nghiệm, tận tình của Công ty Luật Hùng Phí để được hỗ trợ, tư vấn và giải quyết được nhanh chóng, đúng quy định và hiệu quả.

Luật sư đất đai

Công ty Luật Hùng Phí

Điện thoại: 0962 75 28 38

Email: info@hungphi.vn 

Website: hungphi.vn 

Xem thêm Luật sư tư vấn bất động sản và xây dựng

5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết liên quan