Nghị quyết 1081/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát “việc chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 1081/NQ-UBTVQH11

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 1081/NQ-UBTVQH11  NGÀY 23 THÁNG 02  NĂM 2007 VỀ VIỆC THÀNH LẬP ĐOÀN GIÁM SÁT “VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT”

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ vào Luật hoạt động giám sát của Quốc hội;
Căn cứ vào Nghị quyết số 74/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội khóa XI về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2007;
Căn cứ vào chương trình, kế hoạch giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1:

1- Thành lập Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về “Việc chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” (có danh sách kèm theo).

2- Đoàn giám sát được mời đại diện một số cơ quan Trung ương tham gia các hoạt động của Đoàn.

3- Đoàn giám sát được mời một số chuyên gia của các cơ quan hữu quan để giúp Đoàn trong công tác giám sát.

4- Đoàn giám sát có thể thành lập các Tổ công tác để giám sát sâu hơn một số nội dung cụ thể.

Điều 2: Nội dung, kế hoạch giám sát cụ thể được ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Điều 3: Đoàn giám sát có trách nhiệm thực hiện kế hoạch giám sát; báo cáo kết quả giám sát với Uỷ ban thường vụ Quốc hội sau khi kết thúc đợt giám sát và giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị báo cáo kết quả giám sát để trình Quốc hội Khóa XII tại kỳ họp thứ  hai.

Điều 4: Văn phòng Quốc hội tổ chức phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát.

Điều 5: Đoàn giám sát, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan, các địa phương có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

 

TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH

Nguyễn Phú Trọng

 

DANH SÁCH

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ “VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT”
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 1081/NQ-UBTVQH11 ngày 23 tháng 02 năm 2007)

I- THÀNH VIÊN ĐOÀN GIÁM SÁT:

1) Đồng chí Trương Quang Được, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn.

2) Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách, Phó Trưởng Đoàn thường trực.

3) Đồng chí Lê Quang Bình, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH, Phó Trưởng đoàn.

4) Đồng chí Trịnh Huy Quách, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách, Phó Trưởng đoàn kiêm Tổng Thư ký.

5) Đồng chí Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, thành viên.

6) Đồng chí Nguyễn Ngọc Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, thành viên.

7) Đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, thành viên.

8) Đồng chí Trần Đình Long, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật, thành viên.

9) Đồng chí Đoàn Minh Vượng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh, thành viên.

10) Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hồng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, thành viên.

11) Đồng chí Bùi Xướng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban về các vấn đề xã hội, thành viên.

12) Đồng chí Hà Công Long, Phó trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH, thành viên.

II- ĐẠI BIỂU MỜI THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT:

1) Đồng chí Nguyễn Quốc Ngữ, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương.

2) Đồng chí Trần Hữu Nam, Phó Vụ Trưởng Vụ thi đua khen thưởng- Kinh tế xã hội – Tiến sỹ kinh tế, Văn phòng Chủ tịch nước.

3) Đồng chí Vũ Minh Hồng, Chuyên viên chính Ban Dân chủ – Pháp luật, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

4) Đồng chí Tô Quỳnh Thảo, chuyên viên phòng Tài nguyên đất, Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính.

5) Đồng chí Nguyễn Thị Tầm, Chuyên viên chính Vụ Thống kê đất đai, Bộ Tài nguyên và môi trường.

6) Đồng chí Hoàng Xuân Trinh, Phó trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế Cục kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

7) Đồng chí Đinh Văn Chương, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông – Vận tải.

8) Đồng chí Vũ Mạnh Cường, Trưởng phòng Quản lý nhà ở – Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng.

9) Đồng chí Nguyễn Bá Dũng, Phó trưởng Ban Kiểm tra, Hội Nông dân Việt Nam.

 

KẾ HOẠCH GIÁM SÁT

“VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT”
(Kèm theo Nghị quyết số: 1081/NQ-UBTVQH11 ngày 23 tháng 02 năm 2007 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

– Đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến 30/6/2007, những kết quả đạt được, những tồn tại, yếu kém, khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành; kiến nghị những giải pháp tiếp tục đẩy nhanh và thực hiện tốt việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

– Báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại các phiên họp. Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG GIÁM SÁT

– Giám sát việc chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn có liên quan.

1. Các Bộ, ngành Trung ương: (1)

a) Nghe các Bộ, ngành báo cáo: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công nghiệp, Bộ Thủy sản.

b) Yêu cầu một số Bộ, ngành, cơ quan hữu quan gửi báo cáo.

2. Khảo sát, nghe các địa phương báo cáo: (2)

– Miền Bắc: các thành phố Hà Nội, Hải Phòng; các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình.

– Miền Trung: thành phố Đà Nẵng; các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phú Yên, Khánh Hoà, Ðắc Lắk, Gia Lai, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.

– Miền Nam: các thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, An Giang.

Yêu cầu các địa phương còn lại gửi báo cáo.

III. NỘI DUNG GIÁM SÁT

– Hệ thống văn bản pháp luật của Trung ương và địa phương về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2003.

– Tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2003.

IV. PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN

4.1. Tổ chức thực hiện giám sát

4.1.1. Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

1) Nghe một số Bộ, ngành Trung ương báo cáo tại trụ sở Văn phòng Quốc hội;

2) Nghe báo cáo, tiến hành khảo sát chung tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giám sát trên thực địa tại các địa phương này.

3) Thành lập các Tổ công tác để tiến hành khảo sát, giám sát sâu một số nội dung cụ thể theo yêu cầu của cuộc giám sát và sự chỉ đạo của Trưởng đoàn;

4) Thành lập tổ biên tập Báo cáo giám sát dưới sự chỉ đạo của Trưởng đoàn;

5) Dự thảo báo cáo giám sát, tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giám sát, hoàn chỉnh Báo cáo giám sát;

6) Đoàn giám sát và Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ trình bày các báo cáo tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

7) Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ trình bày các báo cáo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII.

4.1.2. Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội

a) Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội:

– Là cơ quan thường trực, chủ trì tham mưu, giúp Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện kế hoạch giám sát;

– Là cơ quan giúp việc điều phối hoạt động trong quan hệ giữa Đoàn giám sát với các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương hữu quan;

– Là đầu mối tiếp nhận các báo cáo, những ý kiến, kiến nghị của các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương và các Tổ công tác, ý kiến của Hội đồng dân  tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội để dự thảo, hoàn chỉnh Báo cáo giám sát trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Cử các thành viên Uỷ ban tham gia các Tổ công tác.

b) Thường trực Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội:

– Cử thành viên tham gia Đoàn giám sát khi có yêu cầu.

– Tham dự các buổi làm việc của Đoàn giám sát và có thể cử thêm thành viên tham gia khảo sát, giám sát thực tế.

– Tham gia ý kiến vào báo cáo của Đoàn giám sát;

– Xét thấy cần thiết, có thế có báo cáo riêng sâu hơn, cụ thể hơn về lĩnh vực mình phụ trách trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

c) Văn phòng Quốc hội:

– Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Thường trực Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện theo yêu cầu của Đoàn giám sát;

– Tổ chức phục vụ theo chức năng các hoạt động của Đoàn giám sát và các Tổ công tác.

4.1.3. Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương

a) Cơ quan Đảng (Ban Kinh tế Trung ương), Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước và một số cơ quan hữu quan: mời tham gia các hoạt động của Đoàn giám sát, của Tổ công tác.

b) Chính phủ

– Chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thuộc đối tượng giám sát thực hiện các yêu cầu của Đoàn giám sát;

– Chuẩn bị các báo cáo có liên quan trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

c) Các Bộ, ngành, địa phương

– Chuẩn bị các báo cáo, làm việc với Đoàn giám sát, Tổ công tác và thực hiện các yêu cầu khác có liên quan đến cuộc giám sát của Đoàn giám sát;

– Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và đầy đủ của nội dung báo cáo với Đoàn giám sát và Tổ công tác.

4.2. Các bước tiến hành giám sát

4.2.1. Giai đoạn I (trước tháng 3/2007):

– Xây dựng chương trình, kế hoạch kèm theo Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát;

– Gửi công văn đến các bộ, ngành, địa phương yêu cầu chuẩn bị các báo cáo theo nội dung giám sát.

4.2.2. Giai đoạn II (đầu tháng 4 đến tháng 10/2007):

a) Từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 7 năm 2007

– Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo theo nội dung đã được yêu cầu trước 30/6/2007;

– Đoàn giám sát tổ chức nghiên cứu tài liệu của các Bộ, ngành, địa phương vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2007;

– Đoàn giám sát nghe các Bộ, ngành Trung ương báo cáo vào tháng 7/2007.

b) Tháng 8 năm 2007

Đoàn giám sát tiến hành khảo sát, giám sát thực tế tại một số địa phương trên cả nước.

c) Tháng 9 năm 2007

– Nửa đầu tháng 9: Đoàn giám sát thảo luận dự thảo Báo cáo giám sát.

– Nửa cuối tháng 9: Đoàn giám sát tổ chức Hội nghị cho ý kiến về kết quả giám sát, hoàn chỉnh Báo cáo giám sát để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

d) Tháng 10 năm 2007

Theo chức năng, nhiệm vụ, Chính phủ, Đoàn giám sát trình bày các báo cáo tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, sau đó hoàn chỉnh các Báo cáo để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa XII.

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Chú thích:

1. Các Bộ, ngành không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy chỉ báo cáo về các việc chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực bộ ngành phụ trách.

2. gồm 5 thành phố trực thuộc trung ương (phối hợp với Đoàn giám sát về đền bù, giải phóng mặt bằng- Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, tp Hồ Chí Minh, Cần Thơ); một số tỉnh phối hợp với Đoàn giám sát về đền bù, giải phóng mặt bằng (Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang); đối với một số tỉnh không trùng với các tỉnh có Đoàn giám sát về đền bù, giải phóng mặt bằng thì nghe và khảo sát cả nội dung về đền bù, giải phóng mặt bằng (Tây Ninh, Vĩnh Long, Bến Tre, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên, Khánh Hoà, Ðắc Lắk, Gia Lai) (Đoàn giám sát về đền bù, giải phóng mặt bằng có kế hoạch đến các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ)

Đánh giá

Bài viết liên quan