Bất lợi của người ngoại tình khi ly hôn
“Ngoại tình” không còn là khái niệm xa lạ trong cuộc sống ngày nay. Ngoại tình cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến ly hôn. Vậy theo quy định pháp luật như thế nào là ngoại tình. Bất lợi của người ngoại tình khi ly hôn là gì?
Bất lợi của người ngoại tình khi ly hôn
1. Theo pháp luật như thế nào là ngoại tình?
Hiện nay, pháp luật không đưa ra quy định thế nào là ngoại tình tuy nhiên Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định về tội vi phạm chế độ một, một chồng như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”
Như vậy, có thể hiểu ngoại tình là việc một người đã kết hôn phát sinh tình cảm thậm chí là chung sống như vợ chồng với người khác.
>>XEM THÊM: Cách đánh ghen đúng luật
2. Bất lợi của người ngoại tình khi ly hôn
2.1 Bất lợi của người ngoại tình khi phân chia tài sản chung
Khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:
“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”
Như vậy, trường hợp vợ/chồng ngoại tình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án sẽ xem xét yếu tố “lỗi” từ đó đưa ra tỷ lệ tài sản của mỗi người nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ/chồng và con chưa thành niên.
2.2 Bất lợi của người ngoại tình khi giành quyền nuôi con
Khi không thể thỏa thuận ai là người nuôi con sau khi ly hôn thì căn cứ theo khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quyền nuôi con sẽ được quyết định theo 03 trường hợp sau:
- Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con;
- Con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con;
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, việc vợ/chồng ngoại tình có thể là yếu tố trở ngại khi giành quyền nuôi con. Bởi lẽ, người có hành vi ngoại tình sẽ khó đảm bảo được quyền lợi về mọi mặt cho con như thường xuyên vắng nhà, thiếu sự quan tâm đến con,… đây là có thể là một căn cứ để Thẩm phán xem xét không giao quyền nuôi con.
>> XEM THÊM: Cách giành quyền nuôi con sau khi ly hôn
3. Các bằng chứng ngoại tình được pháp luật công nhận
Căn cứ Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử;
2. Vật chứng;
3. Lời khai của đương sự;
4. Lời khai của người làm chứng;
5. Kết luận giám định;
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ;
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập;
9. Văn bản công chứng, chứng thực;
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Như vậy, những chứng cứ từ các nguồn nêu trên đều có thể trở thành những bằng chứng chứng minh hành vi ngoại tình của chồng hoặc vợ với người thứ ba. Tuy nhiên, để các chứng cứ có giá trị pháp lý và có tính thuyết phục thì cần lưu ý các vấn đề sau:
- Đối với tài liệu đọc được: nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
- Đối với tài liệu nghe được, nhìn được: được xem là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.
- Đối với lời khai: lời khai phải thể hiện đúng với ý chí của người khai, đảm bảo sự khách quan, đúng với sự thật, không bị cưỡng ép.
- Đối với kết luận giám định: phải chính xác, do cơ quan có thẩm quyền giám định và xác nhận.
Một số ví dụ về bằng chứng ngoại tình như:
- Tin nhắn cho thấy có dấu hiệu ngoại tình do chính người thực hiện hành vi ngoại tình nhắn;
- Hình ảnh chụp lại cử chỉ thân mật, vượt quá giới hạn của người có hành vi ngoại tình và người thứ ba;
- Kết quả giám định xét nghiệm ADN con riêng của chồng/vợ;
- Lời khai nhận của người có hành vi ngoại tình,…
4. Một số câu hỏi thường gặp
4.1 Mức phạt tiền đối với hành vi ngoại tình là bao nhiêu?
Khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định như sau:
“Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.”
Như vậy mức phạt tiền đối với hành vi ngoại tình là từ 3 đến 5 triệu đồng.
4.2 Ngoại tình có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hành vi ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình theo quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
4.3 Chồng có được ly hôn khi vợ đang mang thai không?
Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp:
- Vợ đang có thai
- Vợ sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi
>>XEM THÊM: Vợ ngoại tình có thai với người khác, chồng có được ly hôn không?
Như vậy, khi người vợ đang mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trong thời kỳ hôn nhân thì người chồng không được quyền đơn phương ly hôn.
Trên đây là nội dung Bất lợi của người ngoại tình khi ly hôn mà Công ty Luật Hùng Phí xin gửi đến Quý khách hàng để tham khảo. Nếu Quý khách còn vướng mắc về vấn đề này hay cần luật sư tư vấn đối với trường hợp, vụ việc cụ thể của mình, Quý khách hãy vui lòng liên hệ luôn hôm nay với Luật sư của Công ty Luật Hùng Phí để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.
Thông tin liên hệ:
Công ty Luật Hùng Phí
Điện thoại: 0962 75 28 38
Email: info@hungphi.vn
Website: hungphi.vn
Trân trọng cảm ơn Quý khách hàng!