Các loại cổ phần của công ty cổ phần
Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phần. Vậy có các loại cổ phần nào? Đặc điểm của từng loại cổ phần là gì?
Các loại cổ phần của công ty cổ phần
1. Cổ phần là gì?
Định nghĩa về cổ phần được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau: “Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần”. Như vậy, cổ phần là phần chia nhỏ nhất của vốn điều lệ công ty thành các phần bằng nhau.
>>XEM THÊM: Cổ đông là gì? Phân loại cổ đông trong công ty cổ phần
2. Các loại cổ phần của công ty cổ phần
Căn cứ Điều 114 Luật doanh nghiệp 2020, cổ phần trong công ty gồm 2 loại chính là cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm:
- Cổ phần ưu đãi cổ tức;
- Cổ phần ưu đãi hoàn lại;
- Cổ phần ưu đãi biểu quyết;
- Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.
2.1 Cổ phần phổ thông
Luật doanh nghiệp 2020 không quy định khái niệm cụ thể về cổ phần phổ thông. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 114 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: “Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.”
Như vậy, có thể hiểu cổ phần phổ thông là cổ phần bắt buộc phải có của doanh nghiệp, được phân chia dựa trên vốn điều lệ của công ty. Người sở hữu cổ phần phổ thông (cá nhân/tổ chức) được gọi là cổ đông phổ thông.
2.2 Cổ phần ưu đãi
Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng, cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi rõ trong cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức. (Theo khoản 1 Điều 117 Luật doanh nghiệp 2020)
Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại và Điều lệ công ty. (Theo khoản 1 Điều 118 Luật doanh nghiệp 2020)
Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần phổ thông có nhiều hơn phiếu biểu quyết so với cổ phần phổ thông khác; số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định. (Theo khoản 1 Điều 116 Luật doanh nghiệp 2020)
>>XEM THÊM:
Trình tự tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông
3. Đặc điểm của các loại cổ phần
3.1 Cổ phần phổ thông
Người sở hữu: Các cá nhân hoặc tổ chức nắm giữ cổ phần phổ thông. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất là 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán khi thực hiện đăng ký mở doanh nghiệp.
Tính chuyển đổi: Cổ phần phổ thông không thể chuyển thành cổ phần ưu đãi
Chuyển nhượng: Cổ đông phổ thông tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác ngoại trừ một số trường hợp luật định.
Quyền cổ đông: Quyền của cổ đông phổ thông được quy định tại Điều 115 Luật doanh nghiệp 2020.
>>XEM THÊM:
Chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập
3.2 Cổ phần ưu đãi cổ tức
Người sở hữu: Do đại hội cổ đông quyết định hoặc Điều lệ công ty quy định.
>>XEM THÊM:
Đại hội đồng cổ đông là gì? Quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông
Tính chuyển đổi: Có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
Chuyển nhượng: Có quyền chuyển nhượng cổ phần nhưng người mua do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.
Quyền cổ đông: Quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức được quy định tại khoản Điều 117 Luật doanh nghiệp 2020.
3.3 Cổ phần ưu đãi hoàn lại
Người sở hữu: Do đại hội đồng cổ đông quyết định hoặc điều lệ của công ty quy định
Tính chuyển đổi: Cho phép chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
Chuyển nhượng: Có quyền chuyển nhượng cổ phần nhưng người mua do Điều lệ của công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.
Quyền cổ đông: Quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại được quy định tại khoản 2 Điều 118 Luật doanh nghiệp 2020.
3.4 Cổ phần ưu đãi biểu quyết
Người sở hữu: Cổ đông sáng lập hoặc tổ chức được Chính phủ uỷ quyền.
Tính chuyển đổi: Có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
Chuyển nhượng: Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng các loại cổ phần đó cho người khác trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.
Quyền cổ đông: Quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết được quy định tại khoản 2 Điều 116 Luật doanh nghiệp 2020.
Trên đây là nội dung Các loại cổ phần của công ty cổ phần mà Công ty Luật Hùng Phí xin gửi đến Quý khách hàng để tham khảo. Nếu Quý khách còn vướng mắc về vấn đề này hay cần luật sư tư vấn đối với trường hợp, vụ việc cụ thể của mình, Quý khách hãy vui lòng liên hệ luôn hôm nay với Luật sư của Công ty Luật Hùng Phí để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.
Thông tin liên hệ:
Công ty Luật Hùng Phí
Điện thoại: 0962 75 28 38
Email: info@hungphi.vn
Website: hungphi.vn
Trân trọng cảm ơn Quý khách hàng!