Có phải đóng thuế khi nhận thừa kế không?
Ngoài giá trị của phần di sản mình được hưởng thì mọi người cũng rất quan tâm đến các nghĩa vụ liên quan đến di sản thừa kế, đặc biệt là nghĩa vụ về thuế. Trong bài viết này, Luật Hùng Phí sẽ giải đáp thắc mắc của nhiều độc giả về việc có phải đóng thuế khi nhận thừa kế không?
Có phải đóng thuế khi nhận thừa kế không?
1. Thừa kế là gì?
Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Thừa kế được chia thành thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế được chia thành 02 hình thức là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi họ còn sống thông qua di chúc. Căn cứ Điều 624 Bộ luật dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
>>XEM THÊM: Thừa kế theo di chúc là gì? Một số quy định về thừa kế theo di chúc
Thừa kế theo pháp luật là sự dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế theo quy định pháp luật.
>>XEM THÊM: Thừa kế theo pháp luật là gì? Trường hợp nào thừa kế theo pháp luật?
2. Có phải đóng thuế khi nhận thừa kế không?
Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về các khoản phải chịu thuế TNCN, tại khoản 9 Điều này các khoản thu nhập từ thừa kế phải chịu thuế là:
- Đối với nhận thừa kế là chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; cổ phần của cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
- Đối với nhận thừa kế là phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh bao gồm: vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh; vốn trong doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân; vốn trong các hiệp hội, quỹ được phép thành lập theo quy định của pháp luật hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh nếu là doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân.
- Đối với nhận thừa kế là bất động sản bao gồm: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức; trừ thu nhập từ thừa kế là bất động sản theo hướng dẫn tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.
- Đối với nhận thừa kế là các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước như: ô tô; xe gắn máy, xe mô tô; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; súng săn, súng thể thao.
Đồng thời, theo khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007, thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa các chủ thể sau sẽ được miễn thuế:
- Vợ với chồng;
- Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ;
- Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi;
- Cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể;
- Ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại;
- Anh, chị, em ruột với nhau.
Như vậy, tài sản có được do nhận thừa kế gồm chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 đều thuộc đối tượng chịu thuế.
>>XEM THÊM: Ở chung cư có phải đóng thuế sử dụng đất không?
3. Cách tính thuế thu nhập cá nhân khi nhận thừa kế
3.1 Đối với cá nhân cư trú
Theo khoản 4 Điều 16 Thông tư 111/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Thông tư 92/2015/TT-BTC), số thuế phải nộp được tính theo công thức như sau:
Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x 10%
Trong đó:
– Thu nhập tính thuế từ nhận thừa kế là phần giá trị tài sản nhận thừa kế vượt trên 10 triệu đồng mỗi lần nhận. Giá trị tài sản nhận thừa kế được xác định đối với từng trường hợp, cụ thể như sau:
+ Đối với thừa kế là chứng khoán: giá trị tài sản nhận thừa kế là giá trị chứng khoán tại thời điểm đăng ký chuyển quyền sở hữu, cụ thể như sau:
Chứng khoán giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán: giá trị của chứng khoán được căn cứ vào giá tham chiếu trên Sở giao dịch chứng khoán tại thời điểm đăng ký quyền sở hữu chứng khoán.
Chứng khoán không thuộc trường hợp trên: giá trị của chứng khoán được căn cứ vào giá trị sổ sách kế toán của công ty phát hành loại chứng khoán đó tại thời điểm gần nhất trước thời điểm đăng ký quyền sở hữu chứng khoán.
+ Đối với thừa kế, quà tặng là vốn góp trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh: thu nhập để tính thuế là giá trị của phần vốn góp được xác định căn cứ vào giá trị sổ sách kế toán của công ty tại thời điểm gần nhất trước thời điểm đăng ký quyền sở hữu phần vốn góp.
+ Đối với tài sản thừa kế, quà tặng là bất động sản: giá trị bất động sản được xác định như sau:
Đối với bất động sản là giá trị quyền sử dụng đất thì phần giá trị quyền sử dụng đất được xác định căn cứ vào Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm cá nhân làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng bất động sản.
Đối với bất động sản là nhà và công trình kiến trúc trên đất thì giá trị bất động sản được xác định căn cứ vào quy định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về phân loại giá trị nhà; quy định tiêu chuẩn, định mức xây dựng cơ bản do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành; giá trị còn lại của nhà, công trình kiến trúc tại thời điểm làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu.
– Thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ thừa kế, quà tặng là thời điểm cá nhân làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thừa kế, quà tặng.
>>XEM THÊM: Hướng dẫn làm sổ đỏ đất thừa kế không di chúc
3.2 Đối với cá nhân không cư trú
Theo Điều 23 Thông tư 111/2013/TT-BTC đối với người có được nhận thừa kế phải đóng thuế thu nhập với cá nhân không cư trú được tính như sau:
Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế x 10%
Trong đó:
– Cách xác định thu nhập tính thuế được tính như với cá nhân cư trú.
– Thu nhập chịu thuế từ nhận thừa kế của cá nhân không cư trú là phần giá trị tài sản thừa kế vượt trên 10 triệu đồng theo từng lần phát sinh thu nhập nhận được tại Việt Nam.
– Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm cá nhân làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản tại Việt Nam.
Trên đây là nội dung Có phải đóng thuế khi nhận thừa kế không? mà Công ty Luật Hùng Phí xin gửi đến Quý khách hàng để tham khảo. Nếu Quý khách còn vướng mắc về vấn đề này hay cần luật sư tư vấn đối với trường hợp, vụ việc cụ thể của mình, Quý khách hãy vui lòng liên hệ luôn hôm nay với Luật sư của Công ty Luật Hùng Phí để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.
Thông tin liên hệ:
Công ty Luật Hùng Phí
Điện thoại: 0962 75 28 38
Email: info@hungphi.vn
Website: hungphi.vn
Trân trọng cảm ơn Quý khách hàng!